Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận ca đậu mùa khỉ thứ 2

Như vậy, đây là trường hợp đậu mùa khỉ thứ hai đã được phát hiện ngay khi nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhờ hệ thống giám sát chủ động của Ngành Y tế. Người bệnh đã được nhân viên kiểm dịch y tế tiếp cận ngay khi vừa xuống máy bay và đưa về bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cách ly để được chẩn đoán và điều trị.

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) ghi nhận trường hợp mắc đậu mùa khỉ thứ 2

Trước đó, ngày 3/10/2022, Bộ Y tế báo cáo Việt Nam phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên, chủng Monkeypox virus thuộc clade IIb. Bệnh nhân là nữ (35 tuổi, thường trú TP.HCM) khởi phát bệnh ngày 18/9/2022 khi đang du lịch tại Dubai. Sau ba tuần điều trị, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính và được cho xuất viện ngày 14/10/2022.

Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận ca đậu mùa khỉ thứ 2-1 Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới giám sát ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên đang điều trị tại bệnh viện

Để giám sát tránh lây lan dịch bệnh, ngành y tế TP.HCM cũng đã có hướng dẫn tạm thời giám sát phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ từ gia đình, sân bay đến cơ sở y tế.

Trường hợp mắc đậu mùa khỉ thứ 2 này là một phụ nữ 38 tuổi, thường trú tại tỉnh Tuyên Quang, đi du lịch tại Dubai trong khoảng thời gian từ ngày 29/9/2022 đến 18/10/2022. Bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ từ ngày 11/10/2022 với sốt kèm mệt mỏi, buồn nồn và xuất hiện các mụn mủ rải rác trên cơ thể.

Điều đáng ghi nhận chính là người bệnh này và người bệnh mắc đậu mùa khỉ đầu tiên (nay đã khỏi bệnh) đã có thời gian ở cùng nhà và sinh hoạt chung. Khi biết người bạn có các triệu chứng tương tự, người mắc đậu mùa khỉ đầu tiên đã kịp thời thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) biết để hỗ trợ cách ly chẩn đoán và điều trị.

Sau khi nhận được thông tin về hành khách trên chuyến bay nhập cảnh từ Dubai có yếu tố dịch tễ và triệu chứng nghi mắc đậu mùa khỉ, lực lượng kiểm dịch viên y tế (thuộc HCDC) tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã phối hợp với đội y tế khẩn nguy sân bay đã tiếp cận ngay người bệnh ngay khi tàu bay vừa hạ cánh và đưa vào khu vực riêng để thực hiện khám sàng lọc và khai thác các yếu tố dịch tễ. 

Sau khi xác định đủ yếu tố nghi mắc đậu mùa khỉ, HCDC đã phối hợp với Trung tâm Cấp cứu 115 đưa người bệnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để cách ly, xét nghiệm và điều trị, đồng thời, thực hiện khử trùng tàu bay theo quy định. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tiếp tục điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần để hướng dẫn và kịp thời xử lý, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận ca đậu mùa khỉ thứ 2-2 Bệnh nhân đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam đã xuất viện sau 3 tuần điều trị và có kết quả xét nghiệm âm tính

5 lý do để không nên quá hoang mang về bệnh đậu mùa khỉ

Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận ca đậu mùa khỉ thứ 2-3 Triệu chứng và mức độ tổn thương của bệnh đậu mùa khỉ

Thứ nhất

Bệnh đậu mùa khỉ không phải là bệnh dịch mới nổi như COVID-19, mà nó đã được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu.

Thứ hai

Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người, người là ký chủ mắc bệnh vô tình. Sau khi lây truyền sang người, người bệnh sẽ lây sang người khác, nhưng lây không dễ dàng. Các nhà nghiên cứu khẳng định bệnh rất khó lây qua tiếp xúc thông thường. Chỉ khi tiếp xúc trực tiếp gần gũi, da kề da mới có khả năng lây nhiễm. 

Nghiên cứu của CDC Mỹ có hơn 80% lây nhiễm ở đồng giới nam, quan hệ đồng giới qua cơ chế da kề da chứ không phải là tinh dịch. Riêng vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh sẽ dễ lây hơn. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong, sau khi sinh và cho con bú.

Thứ ba

Không lây qua không khí. Khác với COVID-19, có thể lây qua giọt bắn hô hấp nhỏ như khí dung, đậu mùa khỉ lây qua những giọt bắn hô hấp lớn trong môi trường tiếp xúc gần gũi như người chăm sóc trực tiếp, bác sĩ, y tá.

Thứ tư

Bệnh đậu mùa khỉ có tỉ lệ tử vong thấp, thấp hơn cả bệnh thủy đậu. Hiện nay có hai chủng, trong đó một chủng có nguồn gốc từ Congo (tỉ lệ tử vong là 10% nếu có người mắc phải) và một chủng khác lưu hành ở Tây Phi (tỉ lệ tử vong chỉ có 1%). Hiện chủng đang gây bệnh đậu mùa khỉ ở Anh và các nước ở châu Âu có nguồn gốc ở Tây Phi, với tỉ lệ tử vong thấp. 

Tử vong chủ yếu là từ sự bội nhiễm vi khuẩn cơ hội theo vết thương da không được chăm sóc tốt, vi khuẩn vào tấn công cơ thể gây nhiễm trùng huyết hoặc viêm đa cơ quan. Một ít vi rút tấn công não gây viêm não màng não. Tử vong thường do biến chứng chứ không phải độc lực của vi rút đậu mùa khỉ.

Thứ năm

Những người lớn tuổi, đã mắc bệnh đậu mùa thì đã có kháng thể một phần chống bệnh đậu mùa khỉ hiệu quả.

Như vậy, dù đã ghi nhận 2 ca mắc đậu mùa khỉ tại TP.HCM nhưng người dân cũng đừng quá hoang mang, lo lắng. Nếu thấy có triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ do tiếp xúc gần với một số người đang mắc bệnh và đang nghi ngờ bản thân mắc bệnh này, việc bạn cần làm là hãy liên hệ ngay với cán bộ y tế để xin tư vấn, xét nghiệm và được chăm sóc. Sau khi báo với cán bộ y tế, bạn sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, sau đó bạn sẽ được chăm sóc phù hợp.

HCDC cũng đang tiếp tục điều tra dịch tễ các trường hợp tiếp xúc gần để hướng dẫn và kịp thời xử lý, hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan mầm bệnh. 

Thủy Phan

Nguồn tham khảo: Tổng hợp



Chat with Zalo