Viêm xoang sàng là gì? Những vấn đề cần biết về viêm xoang sàng


Viêm xoang sàng là tình trạng viêm của nhóm xoang sàng. Nhóm xoang này nằm giữa mũi và mắt. Các xoang sàng là những khoảng trống trong xương sàng xung quanh mũi. Trong xoang có một lớp chất nhầy có vai trò làm ấm và ẩm không khí giúp mũi không bị khô. Viêm xoang sàng có thể gây đau quanh mũi và giữa hai mắt trong thời gian dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người mắc.

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm xoang sàng

Một người bị viêm xoang sàng có thể gặp nhiều triệu chứng thường gặp ở tất cả các bệnh nhiễm trùng xoang. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), người mắc bệnh lý viêm xoang sàng có thể gặp hầu hết các triệu chứng của viêm xoang nói chung như sau:

  • Sổ mũi;
  • Mũi bị tắc;
  • Đau quanh mặt;
  • Căng tức vùng mặt;
  • Đau đầu;
  • Sốt;
  • Chất nhầy chảy xuống cổ họng từ mũi;
  • Đau họng;
  • Ho;
  • Hơi thở hôi.

Ngoài ra, còn có các các triệu chứng đặc trưng của viêm xoang sàng như:

  • Sưng mắt;
  • Đỏ mắt;
  • Đau mắt;
  • Chảy nước mắt sống.

Các triệu chứng này đặc hiệu cho bệnh tại xoang sàng là do vị trí của các xoang này gần mắt nên có các triệu chứng liên quan đến mắt so với các xoang khác.

Viêm xoang sàng là gì? Những vấn đề cần biết về viêm xoang sàng 4
Nặng vùng mặt là triệu chứng gợi ý viêm mũi xoang

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm xoang sàng

Viêm xoang sàng mãn tính là một căn bệnh cực kỳ nghiêm trọng với những hậu quả có thể không được điều trị.

  • Giảm khứu giác;
  • Nhiễm trùng mắt;
  • Viêm màng não;
  • Áp xe não;
  • Huyết khối xoang.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Vì nguyên nhân phổ biến của viêm xoang sàng là virus nên có khả năng tự khỏi trong vài ngày. Vì thế, bạn nên đến gặp bác sĩ khi các triệu chứng trên gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bạn hoặc kéo dài. 

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm xoang sàng?

Bệnh viêm xoang sàng có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào dù là nam hay nữ, dù già hay trẻ hay bất kỳ vùng địa lý nào. 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm xoang sàng

Khi bạn có các bệnh kèm theo như viêm mũi dị ứng, lệch vách ngăn mũi,... hay chấn chấn thương vùng mặt, bạn có nguy cơ viêm xoang sàng nhiều hơn những người không có các yếu tố này. Bệnh cảnh viêm xoang thường phối hợp với viêm mũi, ít gặp viêm xoang đơn độc.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm xoang sàng có rất nhiều: Môi trường ô nhiễm, thời tiết thay đổi, điều kiện ăn ở, nơi làm việc, hóa chất độc hại, khói, bụi, nghề nghiệp,...

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm xoang sàng

Nguyên nhân gây viêm xoang sàng thường tương tự như các dạng viêm xoang khác như:

  • Virus (kể cả cảm lạnh thông thường);
  • Nhiễm trùng hô hấp trên;
  • Dị ứng theo mùa;
  • Hút thuốc hoặc hút thuốc thụ động;
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu;
  • Polyp mũi;
  • Lệch vách ngăn mũi;
  • Chấn thương vùng đầu mặt.
Viêm xoang sàng là gì? Những vấn đề cần biết về viêm xoang sàng 5
Virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm mũi xoang

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến viêm xoang sàng

Chế độ sinh hoạt:

  • Giữ cho đường mũi thông thoáng: Sự thông thoáng có thể giúp ngăn ngừa viêm xoang như rửa mũi bằng nước muối, điều trị polyp mũi và lệch vách ngăn mũi,…
  • Điều trị các bệnh lý tăng tiết dịch mũi như: Viêm mũi dị ứng, nhiễm trùng hô hấp trên,…
  • Nâng cao sức đề kháng: Tập thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày.
  • Thói quen sinh hoạt: Tắm nước nóng, xông mũi với tinh dầu bạc hà,...
  • Tránh tiếp xúc với môi trường không khí ô nhiễm: Bạn có thể sử dụng máy lọc không khí, đeo khẩu trang,... để bảo vệ mũi của bạn.

Chế độ dinh dưỡng: Giữ cơ thể khỏe mạnh với một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ các chất,... 

Phương pháp phòng ngừa viêm xoang sàng hiệu quả

Một số biện pháp giúp ngăn ngừa viêm xoang sàng bạn có thể thực hiện như:

  • Giữ mũi sạch sẽ bằng cách rửa mũi bằng nước muối.
  • Làm không khí ấm và ẩm bằng máy sưởi máy phun sương.
  • Tránh làm tổn thương mũi thêm như hỉ mũi nhẹ nhàng, không lấy gỉ mũi thô bạo,...
  • Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với lạnh, bụi, hóa chất độc hại,...
  • Điều trị tốt các ổ viêm nhiễm ở mũi họng, răng miệng.
  • Điều trị tốt các bệnh viêm đường hô hấp, hội chứng GERD.
  • Nâng cao thể trạng, tăng cường sức chống đỡ của niêm mạc mũi xoang.
  • Tiêm phòng các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp cũng giúp hạn chế khả năng mắc bệnh viêm mũi xoang ở những cá nhân có hệ miễn dịch suy yếu.

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm xoang sàng

Thông thường, viêm xoang sàng có thể được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và kiểm tra đường mũi của bạn. Khi chẩn đoán viêm xoang sàng, các bác sĩ sẽ đặt cho người bệnh một số câu hỏi về các triệu chứng kể trên và tiến hành thăm khám lâm sàng hay sử dụng một số cận lâm sàng để tìm các dấu hiệu và triệu chứng đặc trưng của viêm xoang.

Khám lâm sàng

Ấn các điểm đau: Ấn đau điểm Grund-wald ở góc trên trong hốc mắt gợi ý viêm xoang sàng.

Soi mũi: Bác sĩ sẽ sử dụng một loại đèn đặc biệt để kiểm tra mũi và tai của bạn để tìm bằng chứng về nhiễm trùng xoang như dịch tiết từ mũi có màu vàng, sưng nóng đỏ vùng mũi họng,…

Viêm xoang sàng là gì? Những vấn đề cần biết về viêm xoang sàng 6
Ấn đau điểm Grund-wald gợi ý viêm xoang sàng

Cận lâm sàng

Xét nghiệm máu: Bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra bằng chứng nhiễm trùng như sự gia tăng bạch cầu, tăng nồng độ CRP,…

Nội soi mũi: Bác sĩ cũng có thể sử dụng một ống nhỏ có gắn camera gọi là ống nội soi để kiểm tra tắc nghẽn trong đường mũi của bạn.

Cấy dịch mũi: Nếu thấy dịch tiết mũi, các bác sĩ có thể dùng tăm bông để lấy mẫu gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra bằng chứng nhiễm vi khuẩn.

CT hay X-quang đầu mặt: Đôi khi các bác sĩ sẽ yêu cầu các cận lâm sàng hình ảnh để kiểm tra viêm xoang và loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng. Chụp X-quang xoang có thể giúp xác định bất kỳ tắc nghẽn nào. Chụp CT đầu mặt cung cấp nhiều chi tiết hơn chụp X-quang, đồng thời cũng có thể được sử dụng để kiểm tra tắc nghẽn, u và polyp mũi,…

Phương pháp điều trị viêm xoang sàng hiệu quả

Phương pháp điều trị viêm xoang sàng tùy thuộc tình trạng bệnh ở từng cá nhân. Điều trị nội khoa thường áp dụng cho những trường hợp bệnh nhẹ, các thuốc được sử dụng nhằm làm giảm các triệu chứng.

Thuốc điều trị triệu chứng

Theo CDC, bệnh viêm xoang do virus thường sẽ tự khỏi, các thuốc được kê nhằm điều trị triệu chứng như:

  • Thuốc thông mũi để giúp thoát xoang.
  • Thuốc kháng histamin được dùng để giảm viêm do phản ứng dị ứng gây ra.
  • Steroid mũi để giảm viêm.
  • Nước muối xịt mũi làm sạch mũi và ẩm mũi.
  • Thuốc giảm đau khi người bệnh đau đớn nhiều.

Thuốc điều trị nguyên nhân

Khi nghi ngờ viêm xoang do vi khuẩn, các sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh để giảm lượng vi khuẩn gây nhiễm trùng như amoxicillin, augmentin, azithromycin (zithromax) hoặc erythromycin.

Biện pháp khắc phục tại nhà

CDC cũng cho rằng một số biện pháp tại nhà có thể giúp ích cho một số người mắc bệnh như:

  • Chườm ấm vùng mũi miệng.
  • Xông mũi với bát nước nóng hoặc vòi sen.
  • Kê cao đầu bằng gối khi ngủ cũng giúp việc thoát nước mũi dễ dàng hơn.
  • Uống nhiều nước giúp làm chất nhầy loãng hơn, dễ tống ra ngoài hơn.
  • Rửa mũi bằng nước muối cả hai bên nhiều lần trong ngày là một trong những phương pháp tốt nhất để giúp giảm triệu chứng viêm xoang và giữ cho mũi khỏe mạnh.

Trong trường hợp người bệnh đã được áp dụng phương pháp điều trị nội khoa nhưng bệnh không thuyên giảm mà ngược lại bệnh có tiến triển nặng thì phẫu thuật là phương pháp được đề nghị tiếp theo.

Phẫu thuật

Viêm xoang sàng thường được cải thiện bằng các phương pháp điều trị không phẫu thuật đã đề cập ở trên. Tuy nhiên, nếu những phương pháp điều trị bảo tồn không thành công thì phẫu thuật là lựa chọn tiếp theo. Phẫu thuật xoang có thể bao gồm việc loại bỏ các mô bị tổn thương, mở rộng đường mũi và điều chỉnh các bất thường về mặt giải phẫu như polyp mũi hoặc vách ngăn lệch.

Viêm xoang sàng là gì? Những vấn đề cần biết về viêm xoang sàng 7
Phẫu thuật cắt polyp mũi giúp hạn chế tình trạng viêm mũi xoang



Chat with Zalo