Bệnh Baylisascariasis là gì? Những điều cần chú ý trong điều trị và phòng ngừa bệnh
Bệnh Baylisascaris là bệnh nhiễm ký sinh trùng hiếm gặp, xảy ra do ăn phải trứng Baylisascaris. Chúng thường lây bệnh thông qua phân của gấu mèo. Bệnh gây ra nhiều triệu chứng trên nhiều cơ quan khác nhau như thần kinh, mắt và các cơ quan nội tạng. Bệnh có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Quan trọng nhất là bạn cần phòng ngừa đúng cách để tránh tiếp xúc với nguồn nhiễm bệnh bao gồm khám định kỳ cho thú cưng, xử lý phân xung quanh nhà và rửa tay thường xuyên.
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Baylisascariasis
Biểu hiện của bệnh Baylisascariasis phụ thuộc vào số lượng và vị trí của ấu trùng trong cơ thể. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện ngay sau một tuần sau khi tiếp xúc với nguồn nhiễm. Thời gian ủ bệnh (thời gian từ khi tiếp xúc nguồn nhiễm đến khi biểu hiện triệu chứng) thường là 1 đến 4 tuần.
Tùy thuộc vào nơi ấu trùng di chuyển đến mà bệnh Baylisascariasis có thể gây ảnh hưởng đến não và tủy sống (ấu trùng di chuyển thần kinh), mắt (ấu trùng di chuyển mắt) và/hoặc các cơ quan khác (ấu trùng di chuyển nội tạng).
Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh Baylisascariasis gồm:
- Buồn nôn;
- Mệt mỏi;
- Gan to;
- Ho;
- Đau ngực;
- Mất phối hợp vận động;
- Thờ ơ với mọi người và môi trường xung quanh;
- Mất kiểm soát hành vi và vận động;
- Mù lòa hay mất thị lực;
- Nhạy cảm với ánh sáng;
- Viêm mắt;
- Hôn mê;
- Co giật.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Baylisascariasis
Bệnh có thể tự biến mất mà không cần điều trị. Rất hiếm khi nào bệnh gây ra biến chứng lâu dài. Các biến chứng có thể gặp:
- Viêm cơ tim;
- Viêm phổi;
- Xơ phổi;
- Mù lòa;
- Viêm màng não.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Khi bạn có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nêu trên, hãy đến khám bác sĩ chuyên khoa nhiễm để được chẩn đoán chính xác.
Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh Baylisascariasis?
Trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh Baylisascariasis vì chúng thường đưa ngón tay, đất hoặc đồ vật bị ô nhiễm lên miệng. Những người thợ săn, người đánh bẫy, người xử lý các động vật hoang dã cũng có nguy cơ cao hơn nếu tiếp xúc với gấu mèo hoặc môi trường sống của gấu mèo.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh Baylisascariasis
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Những người thường xuyên đi du lịch đến những nơi có nhiều gấu mèo sống.
- Tuổi: Trẻ em có nguy cơ cao mắc bệnh Baylisascariasis hơn người lớn.
- Những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nguồn nước ô nhiễm.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh Baylisascariasis
Bệnh xảy ra do nhiễm Baylisascaris procyonis, là một nguyên nhân hiếm gặp nhưng nghiêm trọng gây ra bệnh về thần kinh và mắt.
Gấu mèo là vật chủ ký sinh chính của Baylisascaris procyonis, một loại giun tròn. Gấu mèo bị nhiễm Baylisascaris bằng cách ăn phải trứng nhiễm bệnh trong quá trình tìm kiếm thức ăn, cho ăn và chải lông hoặc do ăn phải các loài gặm nhấm, thỏ và chim bị nhiễm ấu trùng Baylisascaris.
Gấu mèo là động vật sống quanh nhà, nơi có con người sinh sống. Trứng Baylisascariasis thải qua phân của gấu mèo bị nhiễm bệnh thường ở gốc cây, trên gác xép không kín hoặc mái nhà. Trứng sau khi thải ra theo phân của gấu mèo cần 2 đến 4 tuần mới phát triển và lây nhiễm.
Bạn có thể bị nhiễm bệnh khi vô tình ăn phải trứng nhiễm bệnh ở trong đất, nước hoặc tiếp xúc với những đồ vật đã bị nhiễm phân gấu mèo. Bệnh Baylisascariasis không lây truyền từ người sang người. Khi bạn ăn phải trứng này, chúng sẽ nở thành ấu trùng trong ruột và di chuyển khắp cơ thể, gây tổn thương đến các cơ quan và cơ của bạn.
Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh Baylisascariasis
Chế độ sinh hoạt:
- Tránh tiếp xúc với gấu mèo và phân của chúng.
- Rửa tay sau khi làm việc ngoài trời hoặc sau khi trẻ vui chơi bên ngoài, tập thói quen rửa tay đúng cách.
- Không nuôi, cho ăn hoặc nhận động vật hoang dã như gấu mèo làm thú cưng.
- Làm sạch mái nhà và tầng hầm tránh gấu mèo thải phân ở đó.
- Đóng chặt thùng rác bên ngoài nhà của bạn.
- Không để ao tù, nước đọng quanh nhà.
- Tránh xa những nơi có thể bị ô nhiễm bởi phân gấu mèo như gốc cây, tảng đá lớn, nhà để xe…
- Đeo găng tay khi dọn dẹp môi trường xung quanh nhà.
- Mang ủng cao su hoặc bốt dùng một lần khi dọn dẹp quanh nhà để không mang trứng ấu trùng vào trong nhà.
- Vệ sinh thú cưng của bạn thường xuyên.

Chế độ dinh dưỡng:
- Chế độ ăn không cần thay đổi, hãy bổ sung đầy đủ các chất.
- Rửa sạch rau quả và trái cây trước khi ăn.
- Ăn chín, uống sôi.
- Rửa tay sạch trước khi chạm vào thức ăn hay dụng cụ ăn uống.
Phòng ngừa bệnh Baylisascariasis
Bạn có thể ngăn ngừa nhiễm bệnh Baylisascaris bằng cách:
- Tránh tiếp xúc với gấu mèo và phân của chúng.
- Rửa tay sau khi làm việc ngoài trời hoặc sau khi trẻ vui chơi bên ngoài.
- Không nuôi, cho ăn hoặc nhận động vật hoang dã như gấu mèo làm thú cưng.
- Làm sạch mái nhà và tầng hầm thường xuyên tránh gấu mèo thải phân ở đó.
- Đóng chặt thùng rác bên ngoài nhà của bạn.
- Không để ao tù, nước đọng quanh nhà.
- Tránh xa những nơi có thể bị ô nhiễm bởi phân gấu mèo như gốc cây, tảng đá lớn, nhà để xe…
- Đeo găng tay khi dọn dẹp môi trường xung quanh nhà.
- Mang ủng cao su hoặc bốt dùng một lần khi dọn dẹp quanh nhà để không mang trứng vào trong nhà.
- Không ăn thực phẩm trồng trên đất có nguy cơ nhiễm phân có trứng gây bệnh.
- Rửa trái cây và rau quả trước khi ăn.
- Tẩy giun thường xuyên, 6 tháng một lần.

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm bệnh Baylisascariasis
Chẩn đoán bệnh Baylisascariasis khá khó khăn vì nó phụ thuộc vào số lượng ấu trùng và vị trí của chúng trong cơ thể. Bác sĩ có thể nghi ngờ bệnh dựa vào các triệu chứng và biểu hiện kèm theo thay đổi trong các xét nghiệm như tăng bạch cầu ái toan trong xét nghiệm máu, bất thường về chất trắng trên MRI, kháng thể Baylisascariasis dương tính trong máu hoặc dịch não tủy.
Hình ảnh thần kinh và chụp não có thể hỗ trợ xác định ấu trùng di chuyển thần kinh. Khám mắt có thể phát hiện ấu trùng di chuyển, dấu vết ấu trùng hoặc tổn thương phù hợp với sự hiện diện của ấu trùng trong mắt. Đây thường là yếu tố gợi ý quan trọng nhất của bệnh Baylisascaris.
Bác sĩ sẽ cần loại trừ các bệnh nhiễm ký sinh trùng khác gây ra các triệu chứng tương tự trước khi chẩn đoán là bạn mắc bệnh Baylisascaris.
Điều trị bệnh Baylisascariasis
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn đã phơi nhiễm với Baylisascariasis, bác sĩ có thể chỉ định điều trị ngay lập tức bằng Albendazole đường uống. Việc điều trị sớm khi mới khi vừa phơi nhiễm có thể ngăn chặn sự di chuyển của ấu trùng. Các chỉ định điều trị ngay lập tức có thể bao gồm tiếp xúc qua đường miệng với phân của gấu trúc, sự hiện diện của trứng Baylisascariasis trong phân động vật.
Việc điều trị nên được bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi nuốt phải nguồn lây nhiễm, lý tưởng nhất là trong vòng 3 ngày. Nếu không có sẵn Albendazole, có thể thay thế bằng Mebendazole hoặc Ivermectin tạm thời.
Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh Baylisascariasis, điều trị bằng Albendazole kết hợp với Corticosteroid để giúp phản ứng viêm nhằm kiểm soát bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp bệnh có thể biến mất mà không cần điều trị.