Viêm não Nhật Bản là gì và điều trị bệnh thế nào?

Các bậc phụ huynh cần nắm vững viêm não Nhật Bản là gì và cách điều trị thế nào để biết cách xử lý kịp thời, phòng trường hợp con em mình mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.

1. Viêm não Nhật Bản là gì?

Viêm não Nhật Bản là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường máu, do vi rút gây ra. Khi mắc, bệnh nhân có xuất hiện hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân nặng cùng với sự phát triển của viêm não tủy nặng và tỷ lệ tử vong cao. Bệnh lây truyền qua đường máu thông qua trung gian là muỗi Culex, cụ thể muỗi đốt các động vật  là ổ chứa vi rút như chim hoặc lợn và sau đó truyền vi rút cho người bị chúng đốt phải.

Viêm não Nhật Bản là gì và điều trị bệnh thế nào 1Viêm não Nhật Bản là gì? Nó là một bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm.

2. Các giai đoạn và biểu hiện bệnh viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản phát bệnh theo 3 giai đoạn sau 5 - 15 ngày ủ bệnh:

Giai đoạn khởi phát: Bệnh khởi phát trong vòng từ 1 đến 6 ngày với các biểu hiện bệnh viêm não Nhật Bản điển hình như sốt đột ngột, ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và nôn.

Giai đoạn toàn phát: Ở giai đoạn này, bệnh nhân tiếp tục sốt cao 38°C - 40°C, kèm theo các biểu hiện của viêm màng não như đau đầu, cứng gáy, nôn và buồn nôn, táo bón; biểu hiện rối loạn ý thức như kích thích vật vã hoặc li bì, u ám, có thể đi vào hôn mê; biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương khu trú như co giật, run giật tự nhiên ở ngón tay, lưỡi, mi mắt hoặc toàn thân, liệt cứng; rối loạn thần kinh thực vật.

Giai đoạn hồi phục: Một số bệnh nhân có khả năng khỏi bệnh. Số còn lại nặng hơn, có thể để lại những di chứng viêm não Nhật Bản vô cùng nghiêm trọng như liệt cứng ở chi trên hoặc chi dưới, liệt mặt và/hoặc di chứng rối loạn tinh thần, mất ổn định về tình cảm, thay đổi cá tính, chậm phát triển trí tuệ.

Viêm não Nhật Bản là gì và điều trị bệnh thế nào 2Trẻ bị sốt cao trong giai đoạn toàn phát của bệnh .

3. Điều trị viêm não Nhật Bản

Ngay khi nhận thấy các biểu hiện viêm não Nhật Bản ở trẻ, các bậc phụ huynh nên đưa con em mình đến bệnh viện để cấp cứu càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ điều trị theo hướng khắc phục các triệu chứng của bệnh như:

Hạ nhiệt

Cho bệnh nhân dùng Aspirin 0,25 - 1g/24 giờ hoặc dùng efferalgan dung dịch (5ml/lần, 2 - 3 lần/24 giờ), hoặc đạn efferalgan (1 - 2 đạn/24 giờ, khi sốt cao). Đồng thời hạ nhiệt bằng cách cởi quần áo cho bệnh nhân, chườm khăn mát vào bẹn, nách, cổ...

Chống phù nề não

Trong những trường hợp bệnh nhân bị phù não nặng có co giật, bác sĩ sẽ cho dùng corticoid để giúp bình thường hoá sự thẩm thấu của mạch máu chống lại sự tích luỹ nước và muối ở tổ chức não. Tốt nhất là dùng dexamethason, loại glucocorticoid tổng hợp này có tác dụng chậm và hiệu quả hằng định. Dexamethason phát huy tác dụng chống phù nề não sau 12 - 18 giờ. Liều dùng 10mg tiêm tĩnh mạch, sau cứ 5 giờ lại tiêm 4mg bắp thịt.

An thần cắt cơn giật

Cắt cơn co giật bằng các loại thuốc: seduxen (có thể cho qua sonde hoặc tiêm bắp thịt và tĩnh mạch), dùng dung dịch liệt hạch truyền tĩnh mạch nhỏ giọt: aminazin + thiantan + spartein (liều lượng aminazin 3 - 7 mg/1kg thể trọng/24 giờ). Trường hợp bệnh nhân có co giật nhiều thì dùng gardenal.

Hồi sức hô hấp và tim mạch

Cho bệnh nhân viêm não Nhật Bản thở oxy, lau hút đờm rãi, sẵn sàng hô hấp viện trợ khi rối loạn nhịp thở nặng hoặc ngừng thở. Đồng thời, bổ sung nước điện giải kịp thời theo hematocrit và điện giải đồ. Dùng thuốc trợ tim mạch ouabain, spartein, hoặc dùng aramin, noradrenalin, dopamin khi cần thiết.

Ngăn ngừa bội nhiễm, chống loét

Bác sĩ sẽ dùng kháng sinh phổ rộng như ampicillin hoặc cephalosporin thế hệ 3 tuỳ theo trọng lượng cơ thể để ngăn ngừa bội nhiễm và chống loét cho bệnh nhân. Đồng thời, thường xuyên lau rửa da, vệ sinh răng miệng, đặt vòi đái, dùng đệm cao su bơm hơi để vào các điểm tỳ hoặc nằm đệm nước và thường xuyên thay đổi tư thế cho bệnh nhân. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân phải đảm bảo đủ đạm và các vitamin, cho ăn qua sonde 4 lần/ngày.

Viêm não Nhật Bản là gì và điều trị bệnh thế nào 3Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc nhằm khắc phục các triệu chứng của bệnh.

Hường



Chat with Zalo