Mẹ bầu ăn gì vào tam cá nguyệt thứ 2 và những điều mẹ cần lưu ý
Tam cá nguyệt thứ 2 là giai đoạn thai nhi có sự thay đổi về hình dạng và kích thước. Chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng góp phần vào quá trình hình thành và phát triển của trẻ. Do đó, rất nhiều bà mẹ thắc mắc về vấn đề “Mẹ bầu ăn gì vào tam cá nguyệt thứ 2?”. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn đọc hãy cùng Hà An Pharmacy tìm hiểu ngay ở bài viết dưới đây nhé!
Dinh dưỡng quan trọng thế nào với tam cá nguyệt thứ 2?
Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng không chỉ trong tam cá nguyệt thứ 2 mà ở bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ. Nếu bổ sung đầy đủ dinh dưỡng tốt trong các giai đoạn của thai kỳ sẽ giúp mẹ và thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Vậy mẹ bầu ăn gì vào tam cá nguyệt thứ 2? Khi mang thai, nhu cầu về một số chất dinh dưỡng tăng lên như sắt, iot và folate. Do đó, bạn cần xây dựng chế độ ăn uống đa dạng bao gồm 5 nhóm thực phẩm cần thiết. Bên cạnh đó, việc bổ sung vitamin và khoáng chất cũng rất quan trọng trong thời kỳ này. Nó giúp ổn định sức khỏe của mẹ, hỗ trợ sự hình thành và phát triển của thai nhi trong bụng mẹ được tốt hơn.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/me_bau_an_gi_vao_tam_ca_nguyet_thu_2_va_nhung_dieu_me_can_luu_y_1_2e331b52db.jpg)
Thay đổi của mẹ bầu và thai nhi trong tam cá nguyệt thứ 2
Giai đoạn này triệu chứng ốm nghén đã lùi dần, do đó mẹ sẽ thấy cơ thể khỏe khoắn hơn. Trường hợp mẹ bầu vẫn thường xuyên buồn nôn hoặc nôn, nên hỏi ý kiến của bác sĩ để thay đổi bổ sung vitamin B6. Ngoài ra, những triệu chứng của thai kỳ khác cũng bắt đầu xuất hiện như:
- Đau bụng, đầy hơi, khó thở, da khô, thường xuyên ợ nóng.
- Rạn da, phù nề ở bàn chân và bàn tay, mắt cá chân hoặc mặt.
- Thay đổi về ngoại hình trở nên rõ rệt như: tăng cân, bụng to ra.
- Tình trạng chuột rút ở bàn chân và bắp chân cũng phổ biến ở nhiều người. Nguyên nhân là do sự mệt mỏi hoặc do tử cung đang tăng trưởng về kích thước tạo áp lực lớn lên mạch máu, từ đó làm giảm lượng máu tuần hoàn tới chân. Hoặc do mẹ bầu chưa bổ sung đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể.
- Ngứa và ửng đỏ ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân do hormone estrogen tăng lên trong cơ thể.
- Giảm trí nhớ thai kỳ là tình trạng phổ biến xảy ra ở các bà bầu và tam cá nguyệt thứ 2.
Đến khoảng cuối của tam cá nguyệt thứ 2, mẹ bầu thường xuyên gặp phải tình trạng co tử cung giả. Co tử cung giả còn gọi là Braxton Hicks, có đặc điểm là không có tính chu kì và không đều, thai phụ thường có cảm giác bụng dưới bị căng tức. Các cơn co thắt này đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng tuần hoàn máu. Đây là bước đầu trong quá trình tử cung rèn luyện khả năng chịu đựng của mẹ bầu chuẩn bị cho ngày sinh đẻ. Với những bà mẹ lần đầu mang thai kinh nghiệm chưa đủ, những cơn co thắt xảy ra chậm hơn so với những mẹ bầu đã từng sinh đẻ.
Mẹ bầu ăn gì vào tam cá nguyệt thứ 2?
Dinh dưỡng của mẹ bầu trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 rất quan trọng. Bởi tất cả những dưỡng chất được dung nạp từ cơ thể người mẹ đều có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Vì thế, mẹ cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ các nhóm chất quan trọng, đặc biệt là các thực phẩm chứa các thành phần sau:
Sắt
Sắt đóng vai trò vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Trong quá trình mang thai, sắt cung cấp đầy đủ oxy cho sự phát triển của thai nhi. Khi bà bầu thiếu sắt, cơ thể có nguy cơ thiếu máu, từ đó làm tăng nguy cơ gây ra các biến chứng không mong muốn như sinh non và trầm cảm sau sinh. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lượng sắt được khuyến cáo bổ sung hàng ngày trong thời kỳ mang thai là 27 - 60mg.
Các nguồn thực phẩm cung cấp sắt chủ yếu có trong:
- Thịt nạc, thịt đỏ;
- Hải sản đã được chế biến (nấu chín);
- Quả hạch;
- Đậu và đậu lăng;
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt, bột mì, bột yến mạch;
- Lá các loại rau xanh: rau chân vịt, bông cải xanh…
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/me_bau_an_gi_vao_tam_ca_nguyet_thu_2_va_nhung_dieu_me_can_luu_y_2_337b7f6cc2.jpg)
Sắt chứa trong thực vật khó hấp thụ hơn sắt trong động vật. Do đó, những người không có thói quen ăn thịt có thể tăng tỷ lệ hấp thu sắt bằng cách bổ sung thêm các thực phẩm chứa vitamin C như ổi, cam, nước ép cam, cà chua và dâu tây.
Lưu ý, canxi có khả năng làm giảm sự hấp thu sắt của cơ thể. Vì vậy, mẹ bầu cần tránh bổ sung thực phẩm bổ sung sắt và canxi cùng một lúc.
Canxi
Lượng canxi được khuyến nghị bổ sung khi mang thai là 1000mg. Canxi đóng vai trò trong quá trình hình thành răng và xương của bé, đồng thời có tác dụng trong sự vận hành trơn tru của hệ tuần hoàn, cơ và dây thần kinh. Một số thực phẩm giàu canxi như:
- Sữa, sữa chua, pho mát đã tiệt trùng;
- Trứng;
- Đậu trắng, đậu hũ;
- Quả hạch;
- Cá hồi hoặc cá mòi;
- Nước ép trái cây.;
- Các loại rau xanh: Bông cải xanh, củ cải,…
Protein (chất đạm)
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết phụ nữ nên bổ sung 1,52 gam đạm/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày để tăng khả năng phát triển của não và mô của thai nhi. Protein cũng góp phần cho sự phát triển của ngực và tử cung của thai phụ.
Protein chủ yếu có trong thực phẩm:
- Thịt nạc;
- Quả hạch;
- Đậu và các sản phẩm được làm từ đậu;
- Trứng;
- Cá đã được nấu chín;
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/me_bau_an_gi_vao_tam_ca_nguyet_thu_2_va_nhung_dieu_me_can_luu_y_3_6a50c782db.jpg)
Folate
Trong thời kỳ mang thai cần bổ sung đầy đủ folate vì nó có tác dụng ngăn ngừa khuyết tật ống thần kinh, nứt đốt sống và làm giảm đáng kể nguy cơ sinh non. Một vài nghiên cứu cũng cho thấy axit folic có tác dụng làm giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.
Trước và trong quá trình mang thai, mẹ bầu nên cung cấp 400 - 800µg folate hoặc axit folic mỗi ngày. Các nguồn cung cấp bao gồm:
- Đậu mắt đen hoặc các loại đậu khác;
- Ngũ cốc nguyên hạt;
- Hoa quả đặc biệt là cam;
- Rau lá màu xanh đậm: Rau bắp cải, rau bina, rau cải xanh…
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/me_bau_an_gi_vao_tam_ca_nguyet_thu_2_va_nhung_dieu_me_can_luu_y_4_6afe45323c.jpg)
Một số chất khác
Bên cạnh những thành phần cần thiết trên, trong thực đơn hằng ngày mẹ cũng cần bổ sung thêm các loại dưỡng chất sau:
- Vitamin D: Có vai trò xây dựng hệ răng và xương của trẻ trong thời kỳ phát triển. Lượng vitamin D cần thiết trong thời kỳ mang thai là 6000 (IU). Cơ thể có thể hấp thu vitamin D trong ánh nắng mặt trời và một số nguồn thực phẩm như: cá hồi, cá thu, cá ngừ tươi, gan bò, lòng đỏ trứng, nước trái cây.
- Axit béo omega - 3: Là chất thiết yếu hỗ trợ đến sự phát triển của các bộ phận cơ thể của thai nhi, làm giảm nguy cơ sản giật, khả năng trầm cảm sau sinh và ngăn ngừa sinh non. Lượng axit béo omega - 3 cần thiết trong ngày là 1,4g và có nhiều trong cá nhiều dầu, cá thu, cá hồi, các loại hạt lanh, hạt chia,…
- Nước: Những người mang thai cần bổ sung nước nhiều hơn so với người thường. Nước có vai trò trong sự hình thành nhau thai và túi ối. Trường hợp mất nước trong thai kỳ thường gây ra những biến chứng khác. Do đó, cần bổ sung ít nhất 2l nước mỗi ngày để ngăn ngừa mất nước.
Ngoài ra, trong tam cá nguyệt thứ 2 cũng như trong cả thời kỳ mang thai, mẹ bầu cần tránh những thực phẩm sống như thịt sống, trứng sống, cá sống hoặc các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng, các chất gây kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
Trên đây là những thông tin về bài viết “Mẹ bầu ăn gì vào tam cá nguyệt thứ 2 và những điều cần lưu ý”. Chúc bạn đọc có một sức khỏe tốt và đừng quên theo dõi trang web của Hà An Pharmacy để có thể cập nhật và bỏ túi thêm nhiều thông tin hữu ích liên quan đến sức khỏe nữa nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Vinmec.com