Dấu hiệu bệnh nhân dị ứng thuốc cảm cúm
Sau khi virus cúm xâm nhập vào cơ thể qua đường mũi, miệng có thể gây ra bệnh nhiễm trùng về đường hô hấp gọi là bệnh cúm. Trong trường hợp cảm cúm ở mức độ nhẹ, chỉ cần tự chăm sóc tại nhà mà không cần dùng thuốc và sau khoảng vài ngày bệnh sẽ khỏi hẳn.
Nếu bệnh cảm cúm ở mức độ nặng thì bắt buộc phải cần dùng thuốc điều trị cảm cúm. Nhưng không ít các trường hợp trong thực tế dùng thuốc cảm cúm xảy ra tình trạng dị ứng thuốc. Do vậy, bạn cần phải lưu ý về biểu hiện cơ thể khi dùng thuốc điều trị cảm cúm.
Thuốc cảm cúm là gì?
Thuốc cảm cúm thông thường các loại thuốc kháng virus kê toa của bác sĩ nhằm giúp chống lại virus cúm trong cơ thể. Thuốc kháng virus không sử dụng bừa bãi mà cần có sự chỉ định của bác sĩ trong trường hợp bệnh nhân mắc cúm hoặc nghi ngờ mắc cúm hoặc các đối tượng có nguy cơ mắc biến chứng cúm nặng.
Thời gian đầu điều trị thuốc cảm cúm trong vòng 2 ngày kể từ khi xuất hiện bệnh cúm, thuốc cảm cúm giúp kháng lại virus gây bệnh đồng thời giảm các dấu hiệu gây bệnh. Ngoài ra còn giúp bệnh nhân giảm các nguy cơ biến chứng từ bệnh cúm như viêm phổi, viêm tai giữa. Do đó, đối với các đối tượng có nguy cơ biến chứng nặng nên cần điều trị kịp thời với thuốc kháng virus sẽ có tác dụng giảm diễn tiến của bệnh, giảm nguy cơ nằm viện và thậm chí giảm nguy cơ tử vong.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/di_ung_thuoc_cam_cum_van_de_can_tim_hieu_ky_khi_dung_thuoc_cam_cum_1_6220995bae.png)
Các loại thuốc điều trị cảm cúm
Để điều trị cảm cúm, ngoài sử dụng thuốc kháng virus cúm còn sử dụng các loại thuốc giúp giảm nhẹ triệu chứng cho người bệnh, bao gồm các nhóm thuốc sau:
- Thuốc kháng virus cúm: Đây là các loại được sản xuất dưới dạng tiêm tĩnh mạch hoặc viên uống. Chúng giúp ức chế sự phát triển của virus cúm đối với cơ thể. Hiện nay trên thị trường hay dùng thuốc Oseltamivir vì độ an toàn đối với bệnh nhân và có thể dùng cho cả phụ nữ mang thai.
- Thuốc hạ sốt, giảm đau: Paracetamol hay còn có tên gọi là acetaminophen là thuốc không kê đơn được dùng khá phổ biến giúp giảm các triệu chứng đau đầu, sốt, đau họng cho người bị cảm cúm. Thuốc hạ sốt, giảm đau có hiệu quả đối với trường hợp cảm cúm ở mức độ nhẹ và vừa.
- Thuốc co mạch: Đây là loại thuốc phổ biến ở thị trường ở dạng bào chế xịt, xông hoặc nhỏ mũi. Thuốc có tác dụng làm co các mao mạch nhỏ ở mũi nhằm giúp cải thiện tình trạng nghẹt mũi, tắc mũi.
- Thuốc giảm ho: Ho là cơ chế phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể nhưng nếu ho nhiều càng tăng nặng cơn đau họng làm người bệnh mệt mỏi. nếu bệnh nhân ho không có đờm, bác sĩ thường kê thuốc giảm ho. Thuốc giúp bệnh nhân giảm ho bằng cơ chế ức chế trung khu thần kinh gây ho, giãn phế quản, giảm co thắt các cơ trơn.
- Thuốc long đờm: Nếu thuốc giảm ho dùng cho bệnh nhân ho khan thì thuốc long đờm dùng cho trường hợp bệnh nhân ho có đờm. Thuốc làm giảm độ đặc quánh của chất nhầy, giúp chất nhầy loãng ra không còn bám chặt vào đường hô hấp. Vì vậy thuốc giúp bệnh nhân khi ho có thể tống được đờm ra một cách dễ dàng.
- Thuốc kháng histamin: Đây là loại thuốc chỉ định cho những đối tượng cảm cúm dễ bị dị ứng, hen suyễn. Thuốc giúp giảm phản ứng viêm trong đường thở, giảm dị ứng. Do đó, thuốc cải thiện hiệu quả tình trạng dị ứng, nghẹt mũi, khó thở cho bệnh nhân.
Triệu chứng dị ứng thuốc cảm cúm
Thuốc điều trị cảm cúm có thể giúp người bệnh giảm triệu chứng bệnh cảm cúm. Tuy nhiên nếu sử dụng quá liều, sai cách hoặc mua nhầm thuốc không uy tín dễ làm tăng nguy cơ bị dị ứng thuốc cảm cúm. Sau đây là một vài triệu chứng thường gặp khi dùng thuốc cảm cúm bị dị ứng:
- Nổi mề đay: Đây là tình trạng ban đầu khá phổ biến của dị ứng thuốc cảm cúm. Tùy vào từng cơ địa của mỗi người, thông thường sau khi uống thuốc khoảng 10 phút sẽ nổi mề đay. Dấu hiệu nhận biết có thể là da nổi ban, sưng lên và thấy ngứa ngáy khó chịu.
- Các nốt ban đỏ: Ban đỏ xuất hiện sau khi uống thuốc một thời gian ngắn dưới hình dạng sần như sởi, nhỏ ở thân và có thể tạo thành mảng. Nếu nặng hơn sẽ hình thành bọng nước ngoài da khắp cơ thể, chốc loét ở vùng mặt, cổ, ngực bụng, tay chân và cả vùng sinh dục.
- Sưng mắt: Dị ứng thuốc cảm cúm có thể khiến mắt sưng đỏ, ngứa, chảy nước hoặc kèm theo tình trạng sưng mí mắt, thậm chí mắt bị mờ không nhìn rõ.
- Dấu hiệu toàn thân khác: Mệt mỏi, sốt cao, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, đau khớp...
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/di_ung_thuoc_cam_cum_van_de_can_tim_hieu_ky_khi_dung_thuoc_cam_cum_2_f79368ccd0.png)
Khi bị ứng thuốc cảm cúm phải làm sao?
Trong trường hợp dị ứng thuốc cảm cúm khiến mắt bị sưng sưng ở mức độ nhẹ có thể xử lý tại nhà như chườm đá lạnh từ từ khu vực xung quanh sau đó mới vào vùng sưng. Ngoài ra, bạn có thể cẩn thận chườm nóng bằng cách kiểm tra nhiệt độ sau đó mới đưa lên mắt.
Nếu gặp tình huống bị chóng mặt, buồn nôn cần ngưng thuốc. Sau đó, hỏi lại bác sĩ để kiểm tra thành phần có trong đó vì có thể bạn không phải bị dị ứng thuốc mà đó là tác dụng phụ của nhiều loại thuốc.
Trong trường hợp bệnh nhân ở tình trạng nghiêm trọng như khó thở, tức ngực, phát ban và sưng phù nhiều… cần lập tức đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ cho thở oxy, truyền dịch và cho dùng thuốc kháng dị ứng. Sau đó, bác sĩ thay thế bằng thuốc trị cảm cúm khác ít có nguy cơ dị ứng hơn. Bệnh nhân cần ghi nhớ loại thuốc từng dị ứng để bác sĩ nhanh chóng tìm được nguyên nhân chính xác để loại trừ khi dùng thuốc.
Các biện pháp phòng ngừa để hạn chế dị ứng thuốc cảm cúm
Để phòng dị ứng thuốc, các chuyên gia y tế thường đưa ra các lời khuyên sau đây để hạn chế tình trạng dị ứng thuốc cảm cúm:
- Nếu dùng thuốc cảm cúm quá liều có thể gây ra dị ứng, nên bạn cần tuân thủ chặt chẽ theo liều được bác sĩ kê đơn. Thông thường các thuốc cảm cúm để tránh tình trạng đau dạ dày thường uống sau bữa ăn và uống các liều cách nhau khoảng 4 - 6 tiếng tùy vào từng loại thuốc sẽ có quy định riêng.
- Trước khi sử dụng thuốc cảm cúm cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng và kiểm tra kỹ thành phần thuốc để giúp sử dụng thuốc cảm cúm đúng liều lượng và đúng cách. Nếu dùng quá liều sẽ gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân, đặc biệt là gan thận. Bệnh nhân tuyệt đối nếu muốn sử dụng thuốc nên đi khám bác sĩ, tuyệt đối không dùng theo toa thuốc của người khác; không dùng thuốc đã quá hạn sử dụng.
- Thuốc kháng sinh thường không có hiệu quả trong việc điều trị cảm cúm vì nó chỉ giúp tiêu diệt vi khuẩn, còn bệnh cúm do virus gây ra. Vì vậy nếu lạm dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh cúm sẽ có thể gây viêm nhiễm mới trong cơ thể.
/https://cms-prod.s3-sgn09.fptcloud.com/di_ung_thuoc_cam_cum_van_de_can_tim_hieu_ky_khi_dung_thuoc_cam_cum_3_6df9089a00.png)
- Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, ngay cả tình trạng bệnh cúm nhẹ. Đặc biệt đối với các trường hợp tiền căn dị ứng với thuốc, thực phẩm hoặc các bệnh lý hen suyễn, viêm mũi dị ứng. Bệnh nhân cũng cần cung cấp thông tin cụ thể cho bác sĩ lúc khám để bác sĩ sẽ lưu ý chọn thuốc phù hợp với tình trạng của bệnh nhân.
- Cần theo dõi chặt chẽ trong suốt quá trình sử dụng thuốc để kịp thời phát hiện tình trạng dị ứng có thể xảy ra. Nếu bệnh nhân có các dấu hiệu dị ứng bất thường cần ngừng tất cả các loại thuốc đang sử dụng và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị càng sớm càng tốt.
- Nhiều người hay sử dụng các bài thuốc dân gian để trị bệnh tránh tác dụng phụ của thuốc Tây y. Tuy nhiên các bài thuốc này chỉ có tác dụng với những người bị cảm cúm nhẹ, triệu chứng bệnh không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên bệnh nhân cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả trong quá trình dùng thuốc.
- Bệnh nhân tuyệt đối không tự ý phối hợp thuốc Tây với các bài thuốc Đông y. Vì có thể xảy ra sự tương tác thuốc không những làm giảm hiệu quả của thuốc mà còn gây nhiều tác dụng phụ có hại ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân.
- Trong quá trình điều trị cảm cúm ngoài việc dùng thuốc cần nghỉ ngơi thư giãn, bổ sung chế độ ăn kháng viêm và giàu vitamin C để tăng cường khả miễn dịch, giúp mau hồi phục bệnh cảm cúm.
Ds Hải Vân
Nguồn tham khảo: Tổng hợp